Bước 1: lựa chọn tủ trung tâm
Đây là bước khá quan trọng trong việc thiết kế tổng thể hệ thống bạn định cấu hình.
Sự phát triển của một tổ chức thường yêu cầu bổ sung nhiều server, thiết bị lưu trữ để mở rộng dung lượng lưu trữ cho các ứng dụng, cho dữ liệu. Tủ Rack là giải pháp xây dựng các module hệ thống một cách tập trung, dễ dàng khi bổ sung, nâng cấp, quản trị nhưng vẫn tiết kiệm không gian. Các thành phần trong tủ Rack như nguồn điện, máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, dây cáp được bố trí một cách gọn gàng khoa học
Open Rack
* Tùy chọn gắn hai khung treo thiết bị lên một rack, tăng độ vững vàng khi treo các thiết bị quá nặng
* Thiết kế gọn nhẹ, chân rack có bánh xe, phù hợp với các ứng dụng đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên
* Giải pháp kinh tế, thích hợp cho các thiết bị không đòi hỏi độ bảo mật cao
* Tùy chọn gắn thêm các khay được thiết kế đặc biệt, dùng đỡ các thiết bị không theo chuẩn 19″.
Cabinet (Closed Rack)
* Cấu trúc modular knock-down, cấu thành từ nhiều bộ phận nhỏ ráp lại với nhau, giúp dễ dàng trong việc di chuyển và lắp đặt
* Nắp hông có thể tháo rời dễ dàng, giúp dễ dàng thao tác và lắp đặt các thiết bị bên trong tủ
* Đáy tủ trang bị nắp trượt bảo vệ đường cáp vào, có thể chêm và cố định nắp, tạo kích thước cửa vào tương ứng với số lượng cáp, ngăn côn trùng và các loại động vật nhỏ khác chui vào tủ.
* Ngoài các bánh xe để dễ di chuyển, tủ còn được trang bị chân vặn dùng cố định tủ, điều chỉnh thăng bằng ở mặt bằng không bằng phẳng
Wall Mount Rack (Wall Mounting Closed Rack)
* Thanh đỡ thiết bị có thể điều chỉnh tới lui để tương thích với thiết bị
* Đường cáp vào được thiết kế ở cả nóc và đáy tủ
* Ổ khóa cho cả cửa trước và cửa hông, giúp tăng tính bảo mật cho tủ.
Phụ kiện Rack
Bước 2: Đấu nối các thiết bị trung tâm
Các thiết bị có thể đấu nối trong tủ mạng có rất nhiều loại tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Có thể là thiết bị chuẩn Rack hoặc Tower. Sau đây tôi xin giới thiệu sơ bộ về cách đấu nối Patch Panel vào tủ trung tâm.
Patch panel là một bảng cắm, thông qua đó các cáp sẽ kết nối các máy trong mạng LAN cho gọn gàng hơn so với việc cắm trực tiếp, đồng thời cũng dễ bảo quản và sửa chữa khi có sự cố. Việc lắp đặt một patch panel tuy không phức tạp nhưng cũng đòi hỏi những kiến thức nhất định để cho việc thực hiện được suôn sẻ ngay từ đầu.
Hệ thống mạng máy tính chuyên nghiệp của một doanh nghiệp thường có phòng server riêng. Ở phòng server này thường có chứa các tủ rack, trong đó chứa các máy server, KVM switch (để điều khiển nhiều máy server với một monitor), switch, router, firewall… và một thiết bị không kém phần quan trọng là patch panel. Như chúng ta biết, thông thường thì khi nối mạng các máy tính với nhau giữa các tầng của tòa nhà, ta hay kéo cáp mạng trực tiếp (dùng đầu nối RJ45) nối từ switch của phòng server đến các switch của mỗi tầng (gọi là switch tầng), rồi từ switch tầng kéo cáp mạng đến outlet của mỗi phòng để người dùng máy tính sử dụng. Nhưng thường sau một thời gian, các đầu nối RJ45 cắm trực tiếp vào switch trong phòng server thường bị oxy hóa làm cho tín hiệu bị chập chờn và bị lỗi, ảnh hưởng đến hoạt động chung của mạng. Để dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm tra tín hiệu mạng, đồng thời giúp hệ thống dây nhợ được gọn gàng hơn, thẩm mỹ hơn, người ta dùng đến các patch panel để giải quyết các vấn đề này.
Hiện nay, các patch panel được sử dụng phổ biến trong các tủ rack là loại 24 port và 48 port. Một bộ AMP patch panel 24 port chuẩn Cat.5e (đã có sẵn jack RJ45 UTP) có giá khoảng 92 USD, còn bộ AMP Patch Panel 48 port chuẩn Cat.5e (đã có sẵn jack RJ45 UTP) thì có giá khoảng 200 USD. Các thiết bị này được bảo hành 12 tháng.
Để lắp đặt patch panel, ta cần chuẩn bị các dụng cụ như: một cờ-lê để siết chặt đai ốc lục giác vào bu-lông cố định patch panel vào 2 thanh cố định hai bên phía trước của tủ rack, Một “punch down tool” để cố định cáp mạng vào các rãnh mặt sau của patch panel.
Trước khi đi vào kỹ thuật lắp đặt patch panel, cũng xin nói thêm, hệ thống mạng có patch panel thường được đấu nối như sau: từ switch của các tầng, cáp mạng được kéo đến mặt sau của patch panel, rồi từ mặt trước của patch panel đến switch trong phòng server. Sau khi đã chuẩn bị xong tất cả, có thể thực hiện các bước sau để lắp đặt patch panel.
1. Cố định cáp mạng từ switch tầng vào mặt sau của patch panel:
Với các patch panel, mặt trước là các jack để cắm đầu RJ45 (được cắm từ patch panel đến switch trong phòng server), phía sau (tương ứng với các jack cắm RJ45 của mặt trước) là các rãnh để cố định cáp mạng kéo từ switch tầng đến. Thao tác cố định cáp mạng vào các rãnh này cũng giống như cách cố định cáp mạng vào các modular jack mà chúng ta thường làm. Thường thì mặt sau của patch panel có nhãn ghi thứ tự màu của chuẩn 586A hay 586B và số thứ tự port, do đó nếu chúng ta sử dụng chuẩn 586B cho việc bấm cáp mạng, thì khi nhấn cáp mạng vào rãnh cũng sử dụng chuẩn 586B. Chú ý khi nhấn cáp mạng vào rãnh, hãy để lưỡi dao của dụng cụ punch down tool hướng bên ngoài để cắt luôn các dây dư thừa và sau đó có thể dùng dây buộc để buộc các dây cáp mạng lại cho gọn gàng.
2. Bắt patch panel vào 2 thanh phía trước của tủ rack:
Khi mua patch panel về, thường thì ở 4 góc của patch panel sẽ có 4 lỗ để bắt bu-lông cố định patch panel vào 2 thanh phía trước của tủ rack. Ở bước này, ta có thể dùng tay để siết đai ốc vào bu-lông, hoặc dùng thêm cờ lê để siết thật chặt đai ốc giúp cho hệ thống được chắc chắn, đảm bảo an toàn lâu dài.
3. Cắm cáp mạng từ mặt trước của patch panel đến các port của switch:
Ở bước này, ta có thể tự bấm cáp mạng để cắm từ switch đến patch panel, nhưng như trên đã nói, để tín hiệu luôn hoạt động ổn định, nên mua cáp mạng để cắm từ patch panel đến switch, vì cáp mạng loại này đã được đúc sẵn 2 đầu và được tráng sẵn một lớp bảo vệ chống oxy hóa.
Với một hệ thống mạng có sử dụng patch panel ở phòng server, ta thấy việc quản lý sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, và trong tương lai nếu có di chuyển thiết bị, chỉ việc kéo cáp mạng từ patch panel đến vị trí mong muốn.
Hotline: 0916.955.988